Mùa hè ở Việt Nam.

Dù cho nhiều quý ông yêu thích diện những bộ suit hoàn chỉnh cùng với các món phụ kiện đi kèm thì không khí ở vùng khí hậu nhiệt đới rõ ràng là một rào cản.

Đồng ý là một bộ suit hai mảnh sẽ bao gồm suit jacket và trousers, nhưng trên thực tế, phái mạnh ở Đông Lào diện thường xuyên nhất vẫn là áo sơ mi cùng với quần Âu.

Chỉ khi có việc cần gặp đối tác hay trang trọng hơn, quý vị sẽ khoác thêm chiếc áo khoác ngoài cho nghiêm chỉnh.

Đấy, mặc áo sơ mi với tần suất dầy đặc là thế, trong tủ đồ áo sơ mi chắc phải gấp đôi suit jacket, song các ông lại rất thờ ơ với ẻm.

Đừng như thế, áo sơ mi mà ‘độ’ lên tí thì ăn chơi không kém gì mấy phụ kiện hay áo khoác ngoài đâu các anh!

Ngoài kiến thức rộng lớn về lịch sử hình thành đến kiểu cách (style), độ fit,… của áo sơ mi.

Các vị có để ý áo sơ mi được cấu tạo bởi rất nhiều mảnh, thành phần khác nhau không? Nào là tay áo, cổ tay áo, cổ áo sơ mi, hàng khuy, chất liệu,..

Vâng, phong cách cá nhân nó được hình thành từ đây đấy. Những chi tiết nhỏ nhưng có võ, rất dễ bị các quý ông bỏ qua và đi thẳng đến phom áo.

Chỉ cần để ý một chút là quý vị đã hình thành một DNA riêng, độc đáo hơn so với phần còn lại rồi.

Tuy vậy, bài viết hôm nay MarkusNguyen sẽ chỉ nói về một thứ khá đặc thù đã tạo nên nét đẹp củ nghệ cho chiếc áo sơ mi. 

Đó chính là chiếc Cổ áo sơ mi.

1. Độ cứng của cổ áo sơ mi

Vấn đề đầu tiên, đó là về độ cứng của chiếc cổ áo.

Từ những năm 1820 đến những năm 1930, chiếc áo sơmi được thiết kế với cổ áo có độ cứng cao và có thể tháo rời khi không mặc.

Chúng được đính kèm bởi một bộ khuy chuyên biệt (như Shelby và John thường dùng trong series phim Peaky Blinders, hay những thương nhân trên tàu trong phim Titanic). 

Những chiếc cổ áo này được ra đời vào thời điểm đó sở dĩ do không có chất tẩy rửa áo quần một cách hiệu quả. 

Chính vì lí do đó, cổ áo cần được thay mới liên tục. 

Những chiếc cổ áo rời này rất đanh và cứng, không có sự mềm mại. 

Ngoài ra, detachable collar shirt (áo sơ mi mà tháo được cổ) giúp các thành viên cấp cao thể hiện được vị trí của mình.

Vì giá thành cho nó là khá mắc – do đó các nhân vật vai vế thấp hơn sẽ mặc các áo không có cổ (ở trong series phim Peaky Blinders). 

Ngày nay, chiếc cổ áo Contrast Collar (cổ áo màu trắng khác với màu áo sơmi – hay còn gọi là Winchester) chính là một hình tượng dựa trên phong cách này.

Thời gian về sau, khi phong cách menswear được phát dương quang đại ở Ý, và theo kiểu Nghệ của Công tước Windsor, những chiếc cổ áo dần trở nên mềm mại hơn. 

Nếu quý vị theo đuổi phong cách ăn mặc style kiểu Ý với độ bay và lả lướt trong cấu trúc nhẹ nhàng của suit jacket hay blazer.

Thì độ mềm mại của chiếc cổ áo sơmi là điểm tương xứng với những chiếc áo khoác suit hay blazer đó.

Chiếc cổ áo sơmi mềm mại cũng rất Nghệ và hoạt động hiệu quả hơn trong thời tiết ấm áp, nắng nóng và luôn tạo nên một vẻ ngoài không quá nghiêm trọng và ‘đời’

Tất nhiên, ở khía cạnh khác, nếu quý vị cần diện một bộ suit chuẩn chỉnh và mang tính lịch sự cao, thì cổ áo cứng luôn là sự lựa chọn hàng đầu để có một cái nhìn chuyên nghiệp và sắc nét.

2. Chiều cao của cổ áo

Về chiều cao của cổ áo, cổ áo càng cao, càng thể hiện được sự trang trọng nhiều hơn. 

Càng tạo cảm giác quyền lực và bề trên hơn cho người mặc như ông chủ lớn hay những tay tài phiệt

Đó là lý do tại sao thi thoảng bạn lại nhìn thấy những chiếc sơ mi có tới 2 hay thậm chí 3 chiếc khuy ở vị trí cài cổ áo. 

Tôi thì tôi ủng hộ anh em mặc sơ mi cổ cao để trông cho nó quyền lực xứng tầm con cháu vua Hùng thét ra lửa.

Nhưng không phải cứ làm cao chót vót lên mà không tính toán gì đâu nhé anh em. 

Cái gì cũng có nguyên tắc của nó cả.

Mấu chốt của cổ áo sơ mi cao là phải đủ độ đứng để khi không đeo cà vạt thì cổ phải dựng được bên trong cổ jacket hay vì nằm bẹt xuống. 

Áo cổ thấp, mềm mềm nằm sụp 1 chút không sao, chứ áo cổ cao mà không tính toán đủ để nó bị bẹp xuống thì là toang luôn.

Một điều quan trọng nữa là lá cổ sơ mi phải đủ to để nằm yên trong cổ jacket thay vì bay lung tung. 

Nhưng lá to mấy thì to vẫn phải tính độ lượn theo vai để nhìn không bị bứ, cục mịch, đồng thời tránh bị tì và cuộn gập lá cổ.

Đấy, cứ lưu ý như thế là diện cổ cao để trông quyền lực nhé quý vị!

3. Kích thước bản cổ áo

Kích thước cổ áo là điểm tối quan trọng. 

Bạn cần phải lựa chọn chính xác được một chiếc cổ áo có kích thước phù hợp với bản thân

Bởi vì kích thước cổ áo sẽ có ảnh hưởng lớn tới khuôn mặt và đóng góp một phần lớn vào tỷ lệ tổng thể của cả bộ trang phục. 

Với người có khuôn mặt to, đầu lớn và tròn, thì chắc hẳn bạn sẽ không muốn khuôn mặt trông quá to.

Trong trường hợp này, chiếc bản cổ áo có kích thước lớn sẽ giúp hài hòa với tỷ lệ mặt và đầu.  

Nếu bạn diện một chiếc sơmi bản cổ áo nhỏ, thì điều đó sẽ làm mặt bạn càng to hơn và đầu bạn càng lớn hơn. 

Hãy nhớ, kích thước bản cổ áo luôn cần tương thích với tỷ lệ đầu và mặt.

4. Độ mở của cổ áo

Là khoảng cách giữa 2 mũi của cổ áo

Một lần nữa, chúng ta nói về tỷ lệ đầu và mặt. 

Nếu mặt gầy và nhỏ, độ mở rộng sẽ khiến cân bằng hơn.

Nếu bạn mặc chiếc áo có độ mở cổ áo nhỏ, sẽ tạo hiệu ứng khiến mặt trông bé hơn. 

Điều này tương tự với người có khuôn mặt và đầu lớn. 

Nếu độ mở cổ áo càng lớn sẽ càng làm mặt trở nên lớn hơn.

Vì vậy, trái với công thức về tỉ lệ thuận giữa kích thước bản cổ áo và gương mặt.

Độ mở của cổ áo tỉ lệ nghịch với gương mặt.

Nói đơn giản hơn thì với độ mở của cổ áo càng to, mặt càng to và ngược lại.

5. Các loại cổ áo sơ mi phổ biến trong làng Nghệ.

Áo sơ mi nam cổ Cu-ba (Cuban Collar Shirt)

Bắt nguồn từ Nam Phi vào những năm 1950-1960, cổ áo Cuban mau chóng trở thành trào lưu đến tận nước Mỹ. 

Còn được nam giới gọi một cái tên khác là “sơ-mi cổ vest”. 

Kiểu cổ này thường được làm trên các áo pijama, hawaii với lá cổ giống ve K (notch lapel). 

Dòng áo sơ mi nam này với thiết kế phần cổ rộng phóng khoáng.

Nó khéo léo giúp các quý ông khoe khoang ngực rộng hoặc những phụ kiện như vòng cổ. 

Phần cổ sơ mi mở rộng cũng giúp việc lưu chuyển không khí và thoáng mát hơn trong những ngày hè oi bức.

Chúng ta thường gặp thiết kế áo này với vải hoạ tiết.

Rất phù hợp với các anh em phóng khoáng mặc casual, đi biển.

Áo sơ mi nam cổ thẳng, nhọn (Straight Point Collar Shirt)

Cổ áo với đỉnh lá cổ kéo gần như thẳng xuống dưới thân. Như tên gọi của mình, phần góc cổ áo sẽ có dáng mũi nhọn.

Đây là loại cổ áo dễ dàng phối với mọi loại suit và áo khoác; cực kỳ phổ biến từ thời Thế chiến I tới ngày nay. Hầu như chúng ta đều có thể bắt gặp kiểu cổ áo này trên các áo sơ mi may sẵn.

Rất nhiều mẫu sơ mi công sở may sẵn chúng ta thường thấy tại Việt Nam là thẳng, nhọn

Tuy nhiên, so với thiết kế cổ điển, độ rộng lá cổ bị thu hẹp một cách đáng thương.

Độ mở cổ (tính từ 2 điểm đầu) sẽ vào khoảng 3-7cm.

Nếu độ mở cổ lớn hơn chúng ta sẽ gọi là “The spread collar”.

Hoặc nếu phần đầu được kéo dài xuống ngực chúng ta sẽ có “The spear collar”.

Áo sơ mi nam cổ thẳng, nhọn phù hợp nhất với mặt tròn hoặc oval.

Lưu ý nên làm cổ này với cấu trúc cứng vừa phải.

Nếu cấu trúc cứng quá sẽ khiến cổ áo vểnh lên một chút khi thắt cravat.

Áo sơ mi nam cổ rộng (Spread Collar Shirt) 

Cổ áo với lá cổ mở vát sang 2 bên. 

áo-sơ-mi-nam-cổ-rộng-spread-collar

Cổ áo rộng bản lớn rất phổ biến đối với các quý ông hoàng gia Anh từ những năm 1920s, được biết đến như món đồ yêu thích của Công tước xứ Windsor, Thái tử Charles và Douglas Fairbanks.

Với nhiều biến thể về độ cao/dài/rộng khác nhau và phù hợp với mọi khuôn mặt.

Đây cũng là một kiểu áo sơ mi nam đẹp, rất thông dụng hiện nay.

Áo sơ mi nam cổ cài nút (Button-down collar shirt)

Được phát minh ở Anh song kiểu button-down lại rất được ưa chuộng ở Mỹ nhờ sự quảng bá của hãng Brook Brothers.

Brooks Brothers đã tạo ra kiểu cổ áo này để khắc phục việc cổ áo sơ mi bay lên mặt trong khi người mặc chơi Polo.

Sơ mi nam cổ cài nút là loại cổ áo casual nên không thực sự phù hợp trong môi trường thực sự trang trọng (business formal), nhưng cực kỳ hợp cho smart/business casual.

Thiết kế tương tự cổ áo bình thường, với 2 khuy cố định ở đỉnh lá cổ. 

Do vậy, chúng ta đã có rất nhiều tùy biến với loại cổ này như không cài khuy cho cổ vẩy vẩy, hoặc bên đóng bên mở hờ hững ỡm ờ.

Đây là một loại cổ sơ mi mềm, chứ không cứng cáp như các collar khác, nên loại cổ này nên có độ bồng và cong (roll) mềm mại xuống tới khuy cài.

Với các cổ áo loại này, chúng ta sẽ có 2 khuyết được thùa ở phần đuôi cổ áo để cài xuống phần thân áo. Phù hợp với rất nhiều phong cách từ Ivy tới Sprezzatura.

Một điều rất hay nữa về loại cổ áo này là với mỗi loại cấu trúc (cổ cứng, cổ mềm) sẽ ra các hiệu ứng cổ áo cong khác nhau, rất đặc sắc.

Mình khuyến khích mọi người nên có một chiếc sơ mi cổ button-down để trải nghiệm.

Áo sơ mi cổ cánh nhạn (One Piece Collar Shirt) 

Một chút độc bản của thời trang may đo. Còn được biết tới với tên gọi “The Hollywood collar”.

Trở nên thông dụng và xu hướng vào những thập niên 40, 50 bởi tượng đài Gary Cooper của Hollywood. 

Các chiếc cổ áo thông thường sẽ được làm riêng biệt rồi sau đó may vào với thân áo, riêng loại cổ này sẽ được cắt liền vào với phần nẹp áo. 

Cho ra một chiếc cổ áo thẳng tắp từ dưới lên trên, độ cuộn trò lạ mắt của lá cổ cứ phải làm các anh trai đắm đuối.

Với cách cắt áo sơ mi liền mạch một mảnh vải, phần cổ áo trở nên linh hoạt và uyển chuyển hơn. 

Khi phối với blazer hoặc jacket khoác ngoài có thể bẻ phần cổ áo sơ mi trải lên cổ áo khoác ngoài.

Áo sơ mi cổ One piece rất khó tìm thấy ở các nhãn hàng RTW(may sẵn).

Tuy nhiên để làm được một chiếc cổ này đẹp lại là một thử thách không hề nhỏ. 

Nhưng thành phẩm thì lại rất xứng đáng để chúng ta tất tay vào  tìm hiểu và trải nghiệm.

Áo sơ mi cổ Tab collar

Đây là loại cổ áo không thể bỏ qua với những bạn có niềm đam mê với phong cách vintage. 

Gần giống với loại The Point Collar, tuy nhiên dưới cổ áo sẽ có thêm phần khuy để kéo 2 bên cổ áo vào với nhau, cùng lúc nâng củ ấu cravat lên, rất Nghệ. 

Song, chính vì có phần buộc vào với nhau như này, chúng ta chỉ nên dùng loại cổ này khi đeo cravat, không đeo thì nên gác em nó sang một bên.

Để khắc phục nhược điểm không thể mặc khi không đeo cravat, người ta cho ra đời “Pin collar” với 2 lỗ nhỏ ở gần góc cổ để chúng ta có thể nhét 1 cây kim băng, nâng củ ấu cravat lên mà khi không cần vẫn có thể mở phanh cổ ra như các áo khác. 

Thế nhưng giờ chúng ta có loại gài cổ áo mới có thể kẹp luôn vào các cổ áo bình thường, không cần đục lỗ nữa nên kiểu cổ này bớt phổ biến rồi.

The Club collar

Để nói về kiểu cổ này thì quá là chơi bời luôn. 

Bắt nguồn từ các thanh niên thế kỉ trước ở trường đại học Eton, với ý định tạo một phong cách nổi bật không giống ai để cua gái cho mượt mà, những thanh niên này đã bo tròn phần cổ áo, tạo ra “Club collar”. 

Kiểu cổ áo này thành công rực rỡ ngoài mong đợi, tốn không biết bao nhiêu gái Anh thời bấy giờ. 

Trở thành một trào lưu ăn chơi tới tận ngày nay. 

Chắc hẳn những tín đồ cày phim series không còn lạ lẫm gì với kiểu cổ áo này trong phim Peaky Blinders.

The Cutaway collar

Đây là kiểu cổ áo với độ mở cổ từ 12cm trở lên hoặc cá biệt có những chiếc cổ được mở đến 180 độ. 

Kiểu thiết kế này rất được ưa chuộng ở Napoli, Ý. 

Để diện được chiếc cổ áo này, chúng ta nên thắt cravat với củ ấu to (double Windsor) để có thể tạo được sự cân bằng hợp lý. 

Hoặc mở phanh luôn cúc cổ chơi bời hết nấc luôn.

The Band collar (Cổ Tàu)

Chắc hẳn mọi người không còn lạ lẫm gì với kiểu cổ áo này rồi nhỉ.

Một chiếc cổ áo mà chẳng thấy phần bản lá cổ áo đâu… rất phổ biến trong các phim chưởng, hoặc áo đồng phục của nam sinh Nhật Bản.

The Wing collar

Đây là kiểu cổ áo với phần chóp được làm rất nhỏ, vểnh vểnh lên phỏng theo đôi cánh chim nhìn cực tín. 

Loại cổ áo này thường sẽ được mặc với nơ trong các buổi tiệc trang trọng với sự yêu cầu nhất định về trang phục.

6. Đôi nét về Winchester – Contrast Collar

Oliver Fisher Winchester được biết đến là nhà sáng lập công ty Winchester Repeating Arms Company – cũng là một icon của những người yêu súng khắp thế giới.

Nhưng trước khi trở thành ông vua súng đạn, Winchester từng là một shirtmaker nổi tiếng bấy giờ và đã được đặt tên cho kiểu áo sơ mi đặc trưng vẫn được sử dụng đến ngày nay.

Winchester sinh ra ở ngoại ô Boston trong một gia đình nghèo, học hành không đến nơi đến chốn nhưng Winchester có đầu óc kinh doanh nhạy bén và kinh doanh đủ thứ. 

Winchester bắt đầu kinh doanh may mặc với người bạn đối tác làm ăn John M. Davies, hai người đồng sáng lập nên công ty Winchester-Davies Shirt Manufactory chuyên sản xuất áo sơ mi tại New Haven, Connecticut. 

Năm 1848 Winchester đăng ký thành công Bằng sáng chế #5421, bằng sáng chế đầu tiên của ông về kiểu cổ áo contrast với thân áo và từ đó kiểu áo này có tên là Winchester Shirt.

Thực ra Winchester không phải hoàn toàn là người tạo ra kiểu cổ áo này mà kiểu cổ áo contrast với thân áo này có nguồn gốc từ kiểu cổ áo rời (Detachable) được phát minh bởi Hannah Montague năm 1827. 

Thành công là thế nhưng Winchester đúng với tính cách của nhà đầu tư, ở đâu có lợi nhuận thì đó sẽ là đích đến của Winchester.

Winchester lấy lợi nhuận từ việc bán áo sơ mi đầu tư vào công ty vũ khí Volcanic Repeating Arms Company và trở thành cổ đông lớn nhất. 

Sau khi thâu tóm Volcanic Repeating Arms Company, Winchester đã thuê Benjamin Tyler Henry, một kỹ sư trong công ty sản xuất sơ mi của mình chuyển sang thiết kế súng

Và trở thành một câu chuyện huyền thoại khác. 

Từ đó, nhà sản xuất sơ mi danh tiếng Winchester đã trở thành ông vua súng thay vì ông vua sơ mi.

Hình ảnh Winchester Shirt trong giới giải trí đại chúng nổi tiếng bậc nhất có lẽ chính chiếc Winchester Shirt iconic của nhân vật Gordon Gekko trong bộ phim Wall Street (1987) – một biểu tượng điện ảnh kinh điển. 

Nói về Winchester Shirt: đây là kiểu áo formal phù hợp với phong cách business.

Nó có thể hợp với dress code formal nhất là morning dress và không phù hợp với những kiểu quần casual như Jeans, Chinos, và những kiểu casual Jacket. 

Winchester Shirt có thể áp dụng hầu hết các kiểu cổ áo như Point, Spread, Cutaway, Club, Tab hay Pinned Collar.

Song, kiểu cổ Button Down thì nên tránh vì nó quá casual so với kiểu áo này.

Và một chiếc Winchester Shirt hoàn hảo nhất sẽ đi kèm với Măng Séc Đúp kiểu Pháp đúng với tính chất formal của nó.

Tất nhiên, các rule trên chỉ là lý thuyết cổ điển, còn nếu bạn sáng tạo phối hợp thì điều gì cũng là có thể!

Mong quý vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và rèn luyện chăm chỉ. Vì một Việt Nam đại đồng Nghệ !!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *