Để làm ra một bộ suit(vest) cổ điển đẹp, hay bất cứ một mảnh nào trong bộ suit: áo khoác, quần âu, bạn cần một người thợ lành nghề, và tất nhiên không thể thiếu đó là một loại vải chất lượng.
Việc lựa chọn loại vải phù hợp có thể là phần khó nhất của quá trình may đo một bộ suit và nó không chỉ ảnh hưởng đến độ đẹp của bộ suit.
Người mặc có cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay không cũng phụ thuộc ít nhiều vào chất liệu vải.
Thế nhưng, một số người vẫn thường hay truyền miệng rằng suit phải may bằng Wool (sợi lông cừu), đặc biệt phải là 100% Wool mới là tốt.
Hay là, Wool chỉ dành cho mùa đông và việc mặc Wool vào mùa hè rất là nóng, gây bí bách, khó chịu.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm cùng với việc học hỏi không ngừng, Markus Nguyen xin được bóc tách, mổ xẻ, sau đó đưa đến quý vị những thông tin chính xác và giá trị nhất.
Việc này nhằm giúp các quý ông tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc khi mới bắt đầu bước vào con đường ‘gây nghiện này’.
Đầu tiên, quý vị cần một bộ suit như thế nào và mặc vào dịp gì?
Quý ông hãy đặt vài câu hỏi trước khi quyết định may một bộ suit(vest) đầu tiên.
Từ đó, mọi người sẽ làm chủ quyết định của mình khi đến cửa tiệm đặt may một bộ suit, cũng như nhân viên tư vấn sẽ ngay lập tức nhận ra bạn cần gì.
Hoàn cảnh và thời tiết sẽ nói lên loại vải như thế nào là phù hợp, vậy nên hãy cân nhắc một vài vấn đề như:
- Thường ngày, thời tiết nơi bạn hay diện suit như thế nào?
Ví dụ: nóng hay lạnh, hanh khô hay ẩm ướt,..
- Bạn cần một bộ suit cho một dịp đặc biệt hay có thể mặc quanh năm?
- Quý ngài cần diện suit trang trọng tới mức nào?
Ví dụ: Dresscode chấm theo thứ tự trang trọng giảm dần:
White Tie – Morning Dress – Black Tie – Business Formal (Semi Formal) – Business Casual – Casual
- Điều kiện kinh tế cũng như thời gian bạn có thể dành ra để chăm sóc cho bộ suit?
Ví dụ: Suit được may bằng Wool cần được giặt hấp, không thể giặt nước, giặt máy.
Từ những điều kể trên, quý ông đã có thể quyết định được màu sắc, chất liệu cũng hoạ tiết phù hợp với nhu cầu bản thân. Tin chúng tôi đi, quý vị!
Ví dụ, các ngài có thể đóng những bộ suit thoáng mát, màu sắc tươi trẻ cho xuân-hè; và ngược lại đối với thu-đông.
Những bộ suit đơn sắc, tối màu trông sẽ trang trọng hơn những bộ những bộ màu sắc sặc sỡ, có nhiều hoạ tiết.
Tiếp theo, phụ kiện nào sẽ được quý vị phối cùng với bộ suit/blazer?
Theo Markus Nguyen, quý vị nên hình dung xem bản thân sẽ mặc bộ suit đó với áo sơ mi, áo thun hay áo polo; cà vạt, giày da kiểu dáng như thế nào.
Thậm chí là giày da hay giày sneakers, quần âu hay quần jeans; những phụ kiện đi kèm như đồng hồ, kính mát, nhẫn, nón, Pocket Square,..
Từ đó, quý ông đã có thể xác định kiểu dáng muốn may đo từ sang trọng, lịch sự cho đến bình thường, dạo phố hằng ngày.
Quý ông thậm chí còn có thể lựa chọn một kiểu dáng có thể phối được cả hai, tuỳ thuộc vào sở thích của bản thân.
Một vài khía cạnh rõ nét dùng để so sánh các loại vải
Độ cứng:
Bộ đồ bạn mặc đi làm (làm từ len thô) sẽ được hoàn thiện cứng hơn so với len cashmere mềm mại tạo thành chiếc áo jacket/coat của bạn.
Công đoạn hoàn thiện sẽ ảnh hưởng tới độ cứng của vải và những loại được hoàn thiện cứng hơn thường có độ bóng và mượt hơn so với những loại khác.
Độ khô:
Vải khô hơn sẽ có vẻ sắc nét hơn và nếp nhăn ở ống quần sẽ tồn tại lâu hơn so với những loại khác.
Bề mặt của vải cũng có xu hướng khô hơn.
Điều này giải thích vì sao Linen (so lanh) thường có cảm giác khô và nhàu hơn so với Wool dùng để may suit.
Thế nên, Linen là phải nhăn, nhăn mới đẹp. Ủi cho thật phẳng xong đứng chụp hình gồng gồng cho khỏi nhăn thì nghỉ chơi linen nha quý vị!
Các sợi vải nhỏ:
Độ xù lông của vải, hay là các sợi vải nhỏ có thể được nhìn thấy trên vải liên quan chặt chẽ tới chất lượng của vải.
Vì lẽ đó, vải với sợi ngắn, thô, bện không chặt sẽ dễ xù lông hơn.
Độ dày:
Đây là một yếu tố dễ thấy bởi lẽ hầu hết các loại vải sẽ đi kèm thông tin về trọng lượng và độ dày của chúng, thường theo đơn vị gram hoặc ounce.
Ví dụ: Vải ghi 280gsm có nghĩa là: trọng lượng tấm vải rơi vào khoảng 280gram/m dài theo khổ vải đó (thường khổ vải là 57-58” = ~ 1,5m).
Theo đó, các loại vải mỏng hơn thường khó gấp nếp cẩn thận và có độ bền kém hơn các loại vải dày vì mỏng quá sẽ dễ rách.
Với vải có trọng lượng dao động từ 200 – 300g, đây là loại vải nhẹ, mỏng và thoáng.
Do đó, nếu bạn cần tìm một bộ vest cho những ngày hè, nóng ẩm, đây là gợi ý tuyệt vời.
Với vải có trọng lượng dao động từ 300 – 400g, đây là loại vải có trọng lượng vừa phải, không quá dày cũng chẳng quá mỏng.
Vì vậy, đây là lựa chọn tốt cho kiểu thời tiết mát mẻ của mùa xuân, hoặc có chút gió thoang thoảng của mùa thu.
Với vải có trọng lượng dao động từ 400g – 600, đây là loại vải dày dặn, phù hợp ngày đông lạnh lẽo.
Thông thường, những bộ vest từ vải dạng này có khả năng giữ nhiệt rất tốt.
Điều này giúp cơ thể của bạn thêm phần ấm áp, tránh cái se lạnh khắc nghiệt của trời đông lạnh lẽo.
Sự thông thoáng:
Markus Nguyen nghĩ đây là điều đáng quan tâm với khi hậu Việt Nam nhưng nhiều nhà may đã bỏ qua vấn đề này. Vải có kiểu dệt hở hơn sẽ cho phép nhiều không khí đi qua hơn, tạo cảm giác thoáng mát cho người mặc.
Kiểu dệt đóng vai trò khá quan trọng đến chất lượng của vải, cách dệt khác nhau sẽ cho ra hiệu ứng khác nhau.
Thật vậy, vải Wool nếu được dệt hở, dệt thoáng thì mặc vào mùa hè sẽ rất mát.
Ví dụ, quần âu thường là Wool Sharkskin.
Hoặc là dệt Hopsack, Plain sẽ mát hơn là Twill, Birdseye.
Chống nhăn:
Vải len tốt thường sẽ nhăn, tính năng chống nhăn nếu có thường xuất hiện khi vải có 1 hoặc nhiều yếu tố sau:
Pha sợi tổng hợp (poly chẳng hạn), vải sẽ giặt nước được và ít nhăn
Có hóa chất chống nhăn được xử lý khi hoàn thiện
Sợi vải dày và cứng.
Cách dệt (dệt plain là kiểu dệt dễ gây nhăn vải nhất)
Một số kiểu dệt/chất liệu phổ biến đối với thời tiết tại Việt Nam
Nhờ vào cách xử lý, cách dệt vải mà chất liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng về cảm giác mặc, ảnh hưởng nhiều nhất đến độ thoáng khí của vải, từ đó quyết định bộ suit đó có mát hay không.
Nó không chỉ nằm ở việc thiết kế tay áo ngắn hay dài, vải dày hay mỏng như một số người hay lầm tưởng, hiểu sai.
Hopsack
Vải Hopsack rất đa dạng trong cách dệt cũng như khối lượng tấm vải, nhìn chung thì vải được đan giống như cách chúng ta đan một cái rổ (basket weave), tạo cho miếng vải một bề mặt rất đặc sắc, khác lạ.
Hopsack cho cảm giác mặc mềm mại, thông thoáng và cũng có chức năng chống nhăn bởi cũng được dệt từ lông cừu.
Đối với Hopsack quá thưa, chúng ta nên tránh may quần bởi quần sẽ nhanh bị chảy, dão sau các hoạt động mài, ma sát trên ghế khá nhiều.
Nhưng trên thực tế hiện nay có rất nhiều kiểu dệt cho ra miếng vải Hopsack, và thực ra những loại vải Hopsack không quá thưa thì may quần là cực kì lý tưởng vì độ thông thoáng và giữ form, giữ li của chúng là tuyệt vời.
Seersucker
Đây là một loại vải kẻ làm từ cotton rất nổi tiếng ở miền Nam nước Mỹ vì khí hậu ở đây rất nóng.
Seersucker nổi tiếng với phối màu trắng, xanh da trời rất mát mắt dưới cái nắng Hè.
Có cả những màu khác như màu vàng hay màu be (nâu nhạt) cũng rất tuyệt vời với việc phản xạ lại ánh nắng.
Vải Seersucker được tạo nên bằng cách vặn xoắn các sợi cotton vào với nhau thành các đường gồ ghề, độ nhăn đặc trưng lồi lên bề mặt vải.
Seersucker không làm mát cho người mặc bằng open weave (dệt hở) như những kiểu dệt khác mà phần gồ ghề này sẽ tạo khoảng cách tiếp xúc giữa bề mặt vải và da chúng ta, tạo chỗ trống cho không khí lưu thông.
Các đường lồi này không thể là phẳng phiu được.
Chính vì vậy mà suit làm từ vải này không cần ủi (là), chăm sóc nhiều và những nếp nhăn sinh ra trong quá trình mặc cũng ít bị thấy rõ, tha hồ cho quý vị đi du lịch, chơi bời.
Ưu điểm nhiều là thế, tuy nhiên vẫn có một vài quan điểm cho rằng Seersucker rất nóng để làm áo khoác cho mùa hè ở Việt Nam.
Bởi vì cơ chế làm mát của Seersucker là giúp diện tích vải tiếp xúc với cơ thể giảm; đồng thời giúp mồ hôi bay hơi nhanh hơn.
Và đây là một cơ chế làm mát khá yếu.
Tuy vậy, đây là một trong những loại vải dùng để làm quần thì rất tuyệt vời, đặc biệt là vào xuân-hè đối với những ai không thích Linen ‘nhăn nhúm’ hay Tropical Wool rất mỏng.
Fresco
Fresco được phát triển bởi nhà vải Minnis ở Anh, trong tiếng Ý có nghĩa là Fresh – mát mẻ.
Fresco nên được gọi một loại vải hơn là một cách dệt, vì vải này chỉ là có cách dệt trơn (plain weave).
Quý ông nào cần một bộ suit có trọng lượng nhẹ nhưng vẫn đứng form thì nên tìm hiểu loại vải này. Thật sự thú vị.
Vải Fresco được tạo nên bằng các sợi chỉ lông cừu được se rất chặt với nhau, sau đó được dệt thưa để tạo các khoảng hở giữa các sợi vải.
Gọi là khoảng hở nhưng lại khó có thể phát hiện được khi chỉ nhìn bằng mắt bình thường, bạn sẽ thấy vô vàn ‘lỗ thủng’ bằng cách giơ lên và để ánh sáng xuyên qua.
Lỗ càng to thì sẽ càng mát thôi, tất nhiên rồi.
Sự khô ráp của Fresco có thể cảm nhận rõ rệt, ngay vào thời điểm sờ vào.
Cách dệt Fresco vốn vẫn là plain weave, nên cơ chế làm mát ngoài chuyện se sợi chặt khiến mặt vải hở thì chính là nằm ở việc bề mặt vải ráp – giúp tản nhiệt và mồ hôi bay hơi nhanh hơn.
Tất nhiên có những loại Fresco được xử lý bề mặt mịn hơn, nhưng vẫn là tương đối cứng/ráp.
Tuy nhiên việc xử lý mịn bề mặt vải là có gây ảnh hưởng đến cơ chế làm mát. Tôi có một bộ suit fresco của Holland & Sherry, thật sự khá tuỵệt vời trong tiết trời nhiệt độ cao như ở Sài Gòn
Birdseye (Mắt chim)
Birdseye là một loại họa tiết được tạo ra bởi cách dệt chéo tạo thành kết cấu các vòng tròn nhỏ trong một tấm vải trông giống như mắt của các chú chim.
Đây là một lựa chọn tuyệt vời cho cánh mày râu muốn cảm thấy thoải mái hơn trong những bộ suit liền mạch nhưng lại muốn có một chút hứng thú thị giác hơn là kiểu dệt vải trơn truyền thống.
Vải này thường xuất hiện với tông màu tối để tạo nên sự trang trọng, lịch lãm.
Sharkskin (Da cá mập)
Thông thường được gọi với cái tên là Sharkskin ở Mỹ, nhưng là pick-and-pick khi ở Anh.
Vải gồm hai tông thường được dệt như đan rổ 2 sợi màu, tạo ra một mô hình trong đó các sợi tối hơn chạy chéo với sợi sáng hơn.
Cách dệt này tạo cảm giác mặc mềm mại, thông thoáng và cũng có chức năng chống nhăn giống như Hopsack.
Nhưng lại không quá thưa, rất thích hợp để làm quần vào những dịp xuân-hè, thậm chí là quanh năm.
Là một trong những loại dệt chéo khiến bộ suit trở nên lịch lãm bậc nhất.
Một vài lưu ý khi các quý vị tới một cửa hàng may đo:
1. Quý ông nên thu hẹp sự lựa chọn ít nhất có thể.
Việc chỉ đưa ra 3 tới 4 lựa chọn sẽ giúp tiết kiệm thời gian và quý ông sẽ dễ dàng đưa ra quyết định.
Những lựa chọn này có thể khác nhau về màu hoặc mẫu hoạ tiết.
Ví dụ:
2. Nếu chọn vải may mùa hè, nên tránh những loại vải mà sờ lên bề mặt cảm thấy mát tay.
Đây là một nhầm lẫn rất tai hại, vì thực ra các loại vải sờ cảm giác mát có khả năng dẫn nhiệt rất tốt.
Tất nhiên là mặc vào sẽ rất nóng, tin chúng tôi đi các ngài!
3. Hãy xem thật kỹ hai mặt vải trái phải để có thể đánh giá.
Hai mặt của vải không phải lúc nào cũng giống nhau và một số người vẫn hay nhầm lẫn.
Thường thì mặt trái sẽ có nhãn ghi mã số và trọng lượng của vải, bạn có thể dùng cách này để dễ dàng nhận biết.
4. Xem xét các màu sắc khác nhau một cách cẩn thận.
Quý ông có thể đứng bên cửa sổ hoặc ra bên ngoài để nhìn chúng dưới ánh sáng tự nhiên.
Vì ánh sáng trong cửa tiệm sẽ khác ánh sáng tự nhiên nên sẽ gây nhầm lẫn trong việc chọn đúng màu ưng ý.
Cũng như việc chúng ta thường khó có thể nhận ra sự khác biệt của hai màu gần giống nhau nếu không so sánh với màu khác.
Ví dụ màu xanh navy rất khó để nhận biết khi đứng lẻ loi một mình, nhưng bạn có thể nhận thấy sự khác biệt đặt cạnh mẫu màu đen.
Quý ông cũng hãy thử phối với vài phụ kiện như mình đã hình dung ban đầu: áo sơ mi, cà vạt, thắt lưng,…
5. Nhìn chung, những hoạ tiết như xương cá (Herringbone) hay kẻ Prince-of-Wales sẽ trở nên tinh tế hơn khi bạn mặc cả bộ từ đầu tới chân.
Ngược lại, những hoạ tiết lớn với màu sắc đậm (kẻ vuông window..) sẽ mang phong cách mạnh mẽ hơn phù hợp để mặc phối kiểu broken suit (áo quần khác nhau)
6. Hãy yêu cầu xem qua 1 số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của cửa hàng và hỏi xem sự khác biệt giữa công dụng, thời gian sản xuất và giá thành của chúng.
Cuối cùng, những ý kiến trên đây vẫn dựa trên lý thuyết và những trải nghiệm nhất định đối với phần đa mọi người.
Nếu quý ông có những trải nghiệm mang tới một cảm giác khác thì cũng chả sao cả, vì chúng ta là mỗi cá thể khác nhau, xúc giác, cảm quan đối với môi trường chắc chắn sẽ khác nhau.
Một ví dụ để làm rõ điều trên đó là, vải Fresco sờ vào sẽ cảm thấy khô ráp ngay lập tức, và mặc lên người đối với ai có da nhạy cảm thì sẽ thấy khá khó chịu vì cảm giác ngứa ngứa, dặm dặm. Tuy nhiên vẫn có vài người lại không thấy ngứa hay khó chịu.
Hãy cứ trải nghiệm, đầu tư thời gian nghiền ngẫm về suit, vì đó là một khoản đầu tư hời.
Bởi lẽ một bộ suit may đo ưng ý sẽ mang lại sự tự tin và phong cách cá nhân riêng biệt của một gentleman.